Ôtô điện: Việt Nam không theo kịp Campuchia
Thời hoàng kim của những chiếc xe ô tô điện đang đến gần. Việt Nam muốn xây dựng ngành công nghiệp ô tô và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì phải bắt đầu với xe ô tô điện chứ không phải cứ theo đuôi làm xe hơi chạy xăng.
Hãng sản xuất xe ô tô điện Tesla (Mỹ) vừa ra mắt mẫu xe mới Model 3, chiếc xe được kỳ vọng sẽ mở ra trang mới trong lịch sử phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Với mức giá 35.000 USD, đây là chiếc ô tô chạy điện giá khá rẻ, hoàn toàn có thể cạnh tranh được với ô tô truyền thống.
Tương lai thuộc về xe ô tô điện
xe ô tô điện đang dần khẳng định vị trí của mình trong ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới trên thế giới. Có thể thấy rõ sự thay đổi này qua doanh số tăng đều các năm.
Nhật Bản đã đi một bước tiến dài trong sự phát triển chung của ngành ôtô thế giới khi tất cả các "ông lớn" trong ngành ô tô như Toyota, Nissan, Honda và Mitsubishi thoả thuận xây dựng những trạm sạc điện dùng chung cho tất cả. Nhật Bản có tham vọng phủ kín hệ thống xe chạy điện và plug in hybrid trên toàn quốc. Ngoài các trạm sạc điện do các hãng sản xuất ôtô bỏ chi phí, Chính phủ nước này cũng công bố gói tài trợ cho việc lắp đặt phát triển cơ sở hạ tầng và sử dụng xe điện lên đến 1 tỷ USD.
Campuchia, từ năm 2013 đã có dự án phát triển xe ô tô điện và cho ra mắt sản phẩm mẫu có giá dưới 10.000 USD.
Tại Trung Quốc, từ năm 2010, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe ô tô điện đã bắt đầu được triển khai tại nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hợp Phì, Nam Xương,... Đến nay, đã có hàng trăm các trạm với hàng nghìn cột sạc dành cho xe ô tô điện tại mỗi thành phố. Những trạm nạp điện ban đầu sẽ phục vụ cho xe buýt và taxi, sau đó là xe cá nhân. Chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ phát triển thật nhiều các trạm sạc nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xe ô tô điện không ngừng mở rộng khắp cả nước.
Tại khu vực Đông Nam Á, người Thái đã bắt đầu khởi động kế hoạch phát triển xe ô tô điện. Mới đây, Thủ tướng Thái Lan đã gặp gỡ các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản để hợp tác phát triển xe chạy điện trở thành một trong ba trụ cột của ngành công nghiệp ô tô nước này, sau xe bán tải và các dự án xe thân thiện với môi trường. Thái Lan tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực.
Hiện hãng Nissan và Mitsubishi dự kiến sẽ sản xuất xe điện tại Thái Lan. Ngoài ra, tập đoàn ô tô BMW của Đức đang cân nhắc kế hoạch xây dựng cơ sở lắp ráp ô tô chạy động cơ điện phục vụ thị trường châu Á tại đây.
Ngay Campuchia , từ năm 2013 đã có dự án phát triển xe ô tô điện và cho ra mắt sản phẩm mẫu có giá dưới 10.000 USD. Mục tiêu của các nhà sản xuất là đưa ra thị trường những model 2 chỗ và 4 chỗ, với giá chỉ 5.000 USD, sau đó sẽ phát triển lên các model 6 chỗ hoặc 12 chỗ.
Việt Nam đứng ngoài cuộc?
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam muốn xây dựng ngành ô tô hay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì phải bắt đầu với xe ô tô điện chứ không phải cứ theo đuôi làm xe hơi chạy xăng. Phải chọn tương lai để đón đầu. Muốn xây dựng ngành công nghiệp ô tô thì Việt Nam phải trải thảm đỏ ngay với các DN sản xuất xe điện, để trở thành một trung tâm sản xuất xe loại này, cùng những công nghệ tương tự, trong khu vực.
Các DN Việt Nam cho hay không đủ tiềm lực để xây dựng các trạm điện
Trên thực tế, từ năm 2008, Việt Nam cũng đã có một số chính sách ưu đãi cho dòng xe chạy điện. Chẳng hạn, về thuế tiêu thụ đặc biệt, dòng xe điện chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống được áp mức 25%, từ 10-16 chỗ là 15%, từ 16-24 chỗ là 10% và xe pick up, van là 10%.
Thế nhưng, nhiều DN ô tô không mặn mà với sản phẩm này. Các DN lý giải, chi phí để đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất xe ô tô điện không cao hơn so với chi phí đầu tư vào nhà máy sản xuất ô tô chạy xăng, nhưng họ không đủ khả năng để đầu tư xây dựng trạm nạp điện trên toàn quốc như hệ thống trạm xăng dầu. Để làm được việc đó, rất cần Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035 đưa ra định hướng là khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, như xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện,...Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó vẫn chỉ là khuyến khích chung chung, thiếu những định hướng cụ thể mang tính quyết định với sản phẩm này.
Ngoài ra là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa hoàn thiện, chưa sát với thực tế, dẫn đến việc các cơ quan chịu trách nhiệm, không biết áp dụng thế nào.
Chẳng hạn, năm 2013, một DN tại TP.HCM đã nhập khẩu 2 chiếc Nissan Leaf, là xe chạy điện hoàn toàn. Mặc dù được ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng cuối cùng, nhà nhập khẩu vẫn phải trả đầy đủ thuế cho xe chạy xăng. Nếu Nhà nước có chủ trương khuyến khích sử dụng xe chạy điện thì cần nhanh chóng có kế hoạch phát triển hạ tầng, cũng như hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách thu hút đầu tư, để thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm này tại Việt Nam.
Theo Trần Thủy